Các Chứng Cứ Khách Quan Bị Bác Bỏ Trong Phiên Tòa Xử Gia Đình Cô Bé 11 Tuổi Đi Kêu Oan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 9, 2015

Các Chứng Cứ Khách Quan Bị Bác Bỏ Trong Phiên Tòa Xử Gia Đình Cô Bé 11 Tuổi Đi Kêu Oan

GNsP (27.09.2015) – Vụ án ‘cưỡng đoạt đất đai’ của gia đình cô bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, 11 tuổi, được công luận quan tâm trong thời gian vừa qua, bởi vì vụ án nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn, làm tan nát cả một gia đình, bố mẹ tù tội, đứa trẻ 11 tuổi bơ vơ, không nơi nương tựa.

Diễn biến phiên tòa sơ thẩm lần 2


Bản chất sự việc có nhiều uẩn khúc chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ. Tuy nhiên, còn có nhiều điều tất khuất hơn trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra vào ngày 25.09.2015, khi Tòa không triệu tập các nhân chứng quan trọng gồm: Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, người chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra; ông Tư -người hàng xóm với gia đình, chứng kiến người bị hại là ông Nguyễn Bá Tuyên hành hung ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu; can phạm Đinh Thị Oanh, chứng kiến bà Tâm bị điều tra viên ép cung, dùng nhục hình.

Trong phiên tòa, các Luật sư [Ls] tham gia bào chữa cho gia đình, gồm: Ls Lê Ngọc Luân, Ls Nguyễn Văn Quynh và Ls Nguyễn Khả Thành đề nghị Tòa triệu tập các nhân chứng quan trọng này. Tòa bác bỏ triệu tập hai nhân chứng của vụ án là ông Tư và bà Oanh, mà chỉ chấp thuận cho bé Hiếu làm nhân chứng duy nhất qua sự bảo hộ của các Luật sư.

Trước tòa, Viện kiểm sát [VKS] truy tố ông Ngô Văn Huynh, cha bé Hiếu, và bà Nguyễn Thị Tâm, mẹ bé Hiếu, tội ‘cố ý gây thương tích’ theo khoản 3 Điều 104 BLHS. VKS luôn giữ quan điểm luận tội này trong suốt quá trình xét xử và đề nghị mức án 4 – 4,6 năm tù giam đối với ông Huynh; 3 – 4 năm tù giam đối với bà Tâm.

Tại khoản 3 Điều 104 BLHS quy định: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Bà Tâm không đồng tính với nội dung cáo trạng của VKS. Trước tòa, bà khẳng khái tuyên bố: “không đúng người đúng tội, gây oan sai cho gia đình”.

Các luận cứ được tranh tụng trước tòa
Tại tòa, các Ls tham gia bào chữa cho gia đình đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy, cả hai ông bà ‘không cố ý gây thương tích’ cho người bị hại –ông Tuyên, mà ông Huynh-bà Tâm ‘cố ý gây thương tích…trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh’ quy định tại Điều 105 BLHS; hoặc ông Huynh-bà Tâm ‘cố ý gây thương tích…do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ quy định tại Điều 106 BLHS. Và, đề nghị tòa chuyển tội danh cho ông Huynh-bà Tâm từ Điều 104 BLHS sang điều 105 hoặc 106 BLHS. Hai điều khoản này có mức án cao nhất là 3 năm tù giam.

Các luận cứ được các Ls bảo vệ pháp lý cho ông Huynh-bà Tâm đưa ra tranh tụng: Thứ nhất: động cơ/mục đích/nguyên nhân ông Huynh hành hung ông Tuyên chưa được các cơ quan chức năng làm rõ. Theo như lời khai của ông Huynh trước tòa thì: “Khi tôi nghe bé Hiếu kêu la như vậy là tôi biết Hiếu đã xảy ra chuyện gì rồi nên tôi cầm cái cây. Khi nhìn thấy vợ tôi bị ông Tuyên cầm sợi dây xích cổ thì tôi bức xức quá, cầm gậy đánh ông Tuyên, đánh nhằm mục đích giải vây cho vợ và con tôi. Tôi không cố ý đánh ông Tuyên, nhưng khi xô xát với nhau thì vô tình đánh vào đầu ông ấy mà thôi”. Ông Huynh khẳng định, đánh ông Tuyên nhằm ‘giải vây cho vợ con’ và ông có nhiều vết thương trên cơ thể do ông Tuyên gây ra, nhưng các vết thương này không được các cơ quan chức năng đưa đi giám định. Ngoài ra, bà Tâm và bé Hiếu cũng khẳng định, họ bị ông Tuyên đánh.

Nhân chứng quan trọng để làm chứng sự thật cho ông Huynh chính là bé Hiếu, con gái ông. Tuy mới hơn 11 tuổi đầu, nhưng bé Hiếu đã dõng dạc và tự tin tường thuật lại mọi sự việc trước tòa theo như những gì bé đã chứng kiến thấy. Bé Hiếu còn khẳng định: “Anh Tư người hàng xóm đã chứng kiến sự việc xảy ra”. “Con cam đoan những gì nói trước tòa là đúng sự thật. Mong muốn ba mẹ được trở về với gia đình”. Bé Hiếu nói như vậy trước Tòa.

Điểm thứ hai trong quá trình tranh tụng đó là kết quả giám định thương tích của người bị hại –ông Tuyên- có mâu thuẫn. Điểm thứ ba là cơ quan tiến hành tố tụng đã bắt giam bà Tâm trước khi có quyết định khởi tố. Đây là một điều vi phạm pháp luật.

Về phía Ls tham gia bào chữa cho người bị hại – ông Nguyễn Bá Tuyên lại luôn giữ ‘quyền công tố’ qui chụp ông Huynh-bà Tâm vào tội ‘cố ý gây thương tích’ theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Trong quá trình xét hỏi, Ls này đưa ra những câu hỏi ‘ép’ ông Huynh- bà Tâm- bé Hiếu phải ‘thừa nhận’ tội theo ý muốn của Ls. Hình thức này khác nào ‘bức cung’?

Sau khi kết thúc phần tranh luận, trong lời nói cuối cùng ông Huynh đưa ra nguyện vọng: “Chỉ mong vợ chồng tôi sớm đoàn tụ với gia đình và chăm sóc bé Hiếu”. Bà Tâm chấp nhận ‘đền bù số tiền đã gây ra thương tích cho ông Tuyên và mong muốn được trở về với bé Hiếu để chăm sóc bé”.

Số phận của gia đình nhỏ bé này sẽ phụ thuộc vào bản án, được tòa tuyên vào lúc 14 giờ ngày mai, 28.09.2015.


Ông Ngô Văn Huynh và con gái, bé Ngô Thị Cẩm Hiếu

Một vài nhận xét của người tham dự phiên tòa


Trong suốt phiên tòa, thái độ của người bị hại –ông Nguyễn Bá Tuyên- luôn lo lắng, sợ sệt, thiếu tự tin, trả lời ấp a ấp úng, loanh quanh, luẩn quẩn, không dám nhìn thẳng vào Hội đồng xét xử và các Ls bào chữa cho ông Huynh-bà Tâm, thay vào đó là nhìn vào Ls bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông để kiếm tìm câu trả lời thích hợp. Điều này đã được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở ông Tuyên nhiều lần rằng: “hãy nhìn thẳng về phía Hội đồng xét xử, đừng nhìn vào Ls bảo vệ cho ông”. Thái độ này của người bị hại –ông Tuyên nói lên điều gì?

Quá phẫn uất vì nỗi oan khiên thấu trời, đứng trước vành móng ngựa bà Tâm quỳ gối, giơ hai tay lên trời và hét lên: “sự oan khuất của tôi không ai để ý đến. Tôi thà chết chứ không nhận tội vì tôi oan mà”. Không ngăn được những tiếng kêu thét oan khuất của bà Tâm, chủ tọa phiên Tòa tuyên bố: “Nếu bị cáo không im lặng, tòa sẽ dựa trên lời khai của bị cáo để kết tội.”

Khi các Ls bào chữa cho ông Huynh-bà Tâm trưng dẫn ra được các bằng chứng khách quan trong vụ án thì phía VKS lắng nghe một cách cẩn thận, gật đầu liên tục, nhưng không hiểu vì lý do gì mà VKS luôn giữ quan điểm truy tố và luận tội ông Huynh-bà Tâm theo Điều 104 BLHS với mức án được đề nghị ở trên.

Tóm tắt vụ án ‘cố ý gây thương tích’


Bản chất của vụ án ‘cố ý gây thương tích’ xảy ra vào ngày 16.02.2013, chỉ là giọt nước tràn ly của cả quá trình oan khuất mà gia đình ông Huynh-bà Tâm gánh chịu kéo dài gần chục năm trước, bắt đầu từ năm 2005.

Vụ việc bắt đầu khi ông Huynh-bà Tâm vay tiền của anh em ông Nguyễn Bá Tuyên, gia đình có nhiều thành viên là cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Do ông Huynh-bà Tâm không trả được nợ, gia đình ông Tuyên –chính là chủ nợ có quyền lực trong tay và là những người thi hành công vụ ở địa phương này- nên đã ‘xiết nợ’ đất đai của gia đình ông bà. Lúc đó, cơ quan chức năng huyện Bù Đăng có văn bản xác định ‘hành vi xiết nợ là trái pháp luật đề nghị công an xem xét xử lý chủ nợ’, còn vụ việc vay-nợ sẽ được Tòa án dân sự giải quyết.

Thế nhưng, công an huyện Bù Đăng chỉ chấp hành có ‘một nửa’ chỉ đạo của cấp trên, nghĩa là đưa vụ việc vay-nợ giữa ông Tuyên và ông Huynh-bà Tâm ra Tòa án dân sự giải quyết, ‘một nửa còn lại’ là ‘xử lý hành vi xiết nợ’ của anh em ông Tuyên được công an đáp trả rằng ‘không có dấu hiệu hình sự’. Sau khi Tòa án dân sự xét xử nhanh chóng, thi hành án khẩn trương, trong khi ông Huynh-bà Tâm đang mải đi khiếu nại các cấp có thẩm quyền thì đất đai của ông Huynh-bà Tâm bị ‘cưỡng chế’ nhanh chóng giao cho các chủ nợ.

Trở thành Dân oan và tù tội

Uất ức vì mất đất, cộng với thiếu hiểu biết về pháp luật, suy nghĩ giản đơn, bà Tâm đến khu vườn điều của gia đình bà -đã bị ‘cưỡng chế’ giao cho ông Tuyên, chủ nợ- để hái điều do chính mồ hôi nước mắt mà ông bà trồng nên. Đúng lúc đó, ông Tuyên xuất hiện và xảy ra ‘đánh nhau’ giữa ông Tuyên và bà Tâm, giữa ông Tuyên và bé Hiếu, giữa ông Huynh và ông Tuyên. Sau đó, cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu ông Tuyên, người chủ nợ và là người bị hại, đi giám định vết thương với kết quả là 43%. Gia đình ông Huynh-bà Tâm và bé Hiếu cũng bị thương tích nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật ‘không yêu cầu họ đi giám định vết thương’, nên Tòa không xem xét và bỏ qua các thương tích của gia đình ông Huynh-bà Tâm và bé Hiếu.

Cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ ‘bảo vệ’ ông Tuyên, từ giai đoạn cho rằng bị ông Huynh-bà Tâm đánh gây thương tích. Thế nhưng, họ lại không ‘bảo vệ’ ông Huynh-bà Tâm-bé Hiếu vì giai đoạn ‘mất đất oan’ không thuộc trách nhiệm của Tòa trong vụ án này. Gia đình ông Huynh bị ông Tuyên đánh thì ráng chịu vì không có thương tích, do không được đi giám định, cho dù có giấy chứng thương. Đó chính là ‘kịch bản’ của Tòa án sơ thẩm (lần 1) đã ‘cắt khúc’ thành công một câu chuyện nghe có vẻ ‘hợp tình hợp lý’ để tuyên phạt ông Huynh-bà Tâm mỗi người 5 năm rưỡi tù giam vì tội ‘cố ý gây thương tích’ cho người bị hại là ông Tuyên.

Khi phiên tòa sơ thẩm (lần 1) kết thúc, ông Huynh-bà Tâm tiếp tục kháng cáo lên phúc thẩm. Vào ngày 10.10.2014 vụ án được xét xử phúc thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ điều tra xét xử lại từ sơ thẩm.

Đến hôm nay, sau hơn 1 năm, phiên tòa sơ thẩm (lần 2) diễn ra gần như ‘kịch bản’ cũ. Còn bản án, phải đến 28.09.2015, Tòa mới tuyên. Bà Tâm hiện vẫn bị giam giữ tại trại giam công an huyện Bù Đăng từ hơn 2 năm nay. Sức khỏe bà khá suy yếu trong phiên tòa vừa rồi.




Các anh chị em dân chủ đồng hành với gia đình ông Huynh-bà Tâm trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra ngày 25.09.2015

Huyền Trang, GNsP
Ảnh: Trần Bang
Các Chứng Cứ Khách Quan Bị Bác Bỏ Trong Phiên Tòa Xử Gia Đình Cô Bé 11 Tuổi Đi Kêu Oan Reviewed by Unknown on 9/28/2015 Rating: 5 GNsP (27.09.2015) – Vụ án ‘cưỡng đoạt đất đai’ của gia đình cô bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, 11 tuổi, được công luận quan tâm trong thời gian vừa ...

Không có nhận xét nào: