Bản Tuyên Bố Chung Về Dự Thảo Luật Tôn Giáo Ở Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 11, 2015

Bản Tuyên Bố Chung Về Dự Thảo Luật Tôn Giáo Ở Việt Nam


Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây, cho rằng Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (Dự luật) của Việt Nam đang đi ngược lại với quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin.[1] Chúng tôi khuyến nghị chính phủ Việt Nam nên tu chỉnh toàn bộ Dự luật này để thực hiện đúng đắn các nghĩa vụ của Việt Nam đối với luật nhân quyền quốc tế. Trong việc tu chỉnh Dự luật chính phủ cần mời gọi sự tham gia góp ý của các cộng đồng tôn giáo hoặc có niềm tin tại Việt Nam, dù họ đã được công nhận hay còn độc lập, và các chuyên gia về luật nhân quyền trong đó có Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin.

Theo phiên bản hiện nay, tự do tôn giáo hoặc niềm tin đã bị Dự luật hạn chế ở quá mức cho phép của những luật nhân quyền quốc tế có tính cưỡng hành đối với Việt Nam.

Điều 18 khoản 3 của Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là quốc gia thành viên, đòi hỏi chính quyền phải bảo đảm rằng quyền tự do biểu thị tôn giáo hay niềm tin chỉ có thể bị giới hạn bằng luật, trong trường hợp cần thiết và ở mức độ chừng mực để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, y tế công cộng, đạo lý, hay những quyền và tự do căn bản của người khác.

Mặc dù Dự luật có ý muốn công nhận “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” và tuyên bố rằng “nhà nước bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người,” nhưng một khi được thông qua thì các điều khoản trong Dự luật sẽ có thể trở thành công cụ kiểm soát hữu hiệu và được dùng để giới hạn quá đáng việc thực hành quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin ở Việt Nam và như thế sẽ kéo dài tình trạng đàn áp hiện tại.

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7 năm 2014, Ts Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, đã tóm tắt nhận xét của ông về thực trạng tôn giáo hoặc niềm tin ở Việt Nam như sau: “Tuy rằng đời sống tôn giáo và tính đa dạng về tôn giáo đang là một thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhưng quyền tự trị của các cộng đồng có tôn giáo hoặc niềm tin độc lập, nghĩa là các cộng đồng không được nhà nước công nhận, vẫn bị hạn chế và những sinh hoạt của họ vẫn không được an toàn, mỗi khi mà quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin của họ bị vi phạm trầm trọng bởi các biện pháp theo dõi thường xuyên, hăm dọa, sách nhiễu và đàn áp."[2]

Chúng tôi xin nêu lên một số quan ngại về Dự luật[3] có thể được xem là tiêu biểu cho nhiều điều khoản đi ngược với quy định về nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tự do tôn giáo hoặc niềm tin như được ghi trong ICCPR :

I. Điều kiện đăng ký khó khăn

Dự luật đưa ra nhiều điều kiện khó khăn cho việc đăng ký “tổ chức tôn giáo”.

Cơ chế “Xin- Cho”[4] xuyên suốt qua các điều khoản của dự luật cho thấy có một sự hiểu lầm trầm trọng về vai trò của chính quyền trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin theo luật pháp quốc tế. Như Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm đã ghi trong bản phúc trình nêu trên, việc thực thi quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin là một quyền phổ quát và quyền này “không thể để bị phụ thuộc vào bất cứ hành động phê chuẩn về mặt hành chính nào”.[5]

II. Chính quyền kiểm soát và can thiệp quá đáng vào sinh hoạt nội bộ của tổ chức tôn giáo

Dự luật có nhiều điều khoản mà một khi thông qua sẽ cho phép chính quyền kiểm soát và can thiệp một cách quá đáng vào “sinh hoạt và việc điều hành nội bộ” của “các tổ chức tôn giáo”. [6]

Việc can thiệp và kiểm soát sẽ được tổ chức thông qua những người lãnh đạo, phương pháp và nội dung đào tạo về tôn giáo đã được chính quyền chuần y, cũng như đòi hỏi vô lý là phải thông báo cho chính quyền về những thay đổi về mặt tổ chức thí dụ như về nhân sự và hiến chương hoặc điều lệ. Ngoài ra, việc bắt buộc phải xem môn lịch sử và luật Việt Nam là một môn học chính khóa trong giáo trình sẽ cho phép chính quyền can thiệp vào nội dung của chương trình đào tạo tôn giáo. Các điều khoản này đều trái với luật quốc tế vì luật quốc tế chỉ cho chính quyền được phép giới hạn quyền tự do biểu thị tôn giáo hoặc niềm tin riêng trong trường hợp vô cùng cần thiết và ở mức độ chừng mực khi có liên quan đến một trong những mục đích được nêu trong điều 18 khoản 3 của ICCPR.

III. Những từ ngữ quá mức bao quát và mơ hồ có thể mở lối cho việc phân biệt đối xử

Chúng tôi đã nhận được các báo cáo với đầy đủ chứng cớ về việc chính quyền có hành vi phân biệt đối xử đối với các cộng đồng thiểu số có văn hóa và tôn giáo nằm ngoài giòng chính.[7]

Bên cạnh những vi phạm thường gây ra bởi luật pháp không chính xác về quyền thi hành luật của các cơ quan chính quyền, những từ ngữ quá mức bao quát và mơ hồ trong Dự luật có thể sẽ được dùng để kéo dài việc phân biệt đối xử đối với các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số, các nhóm tôn giáo độc lập, và những nhóm có tôn giáo và niềm tin bị xem là “có nguồn gốc từ nước ngoài”, và ưu đãi các tổ chức tôn giáo được đảng Cộng sản Việt Nam công nhận.[8] Ví dụ, dự luật cho phép chính quyền tạm đình chỉ lễ hội tín ngưỡng, đại hội hay hội nghị tôn giáo vì lý do “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khoẻ cộng đồng”, và tạm đình chỉ hoạt động của các tổ chức bị xem là có “hành vi bị nghiêm cấm”, “xâm hại quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội.”

Ít nhất, trong Dự luật, Việt Nam cần phải hủy bỏ hết những qui định hạn chế sinh hoạt tôn giáo không nằm trong số những hạn chế được điều 18 khoản 3 của ICCPR cho phép, thí dụ như các hạn chế nhằm bảo đảm “an toàn xã hội” hoặc “xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc”. Những qui định hạn chế khác, thí dụ như các qui định được xem là cần có để bảo vệ “quốc phòng”, “an ninh quốc gia” và “trật tự công cộng”, cũng cần được cân nhắc cẩn thận để xem các sinh hoạt tôn giáo có bị giới hạn nghiệt ngã hơn là các sinh hoạt tương tự không có yếu tố tôn giáo không, và nếu muốn hoãn hoặc đình chỉ lễ hội tín ngưỡng, đại hội hay hội nghị tôn giáo thì chính quyền phải chứng minh được rằng các biện pháp hạn chế này là cần thiết, chừng mực và phù hợp với một trong những mục đích được điều 18 khoản 3 của ICCPR cho phép.

Ngoài ra, trong bản phúc trình về chuyến đi thăm viếng Việt Nam hồi năm ngoái, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo và Niềm tin đã khuyến nghị rằng: “Trong việc cải cách pháp luật hiện nay, (Việt Nam) cần ưu tiên đặt ra các phương thức kêu cứu bằng phương tiện pháp lý hữu hiệu và dễ tiếp cận để cho phép các nạn nhân bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin có thể đòi được bồi thường hoặc sửa sai trong một hệ thống tư pháp và xét xử độc lập.“ [9]

Dựa trên các quan ngại nói trên và các quan ngại khác liên quan đến Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo hiện nay, chúng tôi chuyển đến chính phủ Việt Nam các khuyến nghị sau đây:

1. Tu chỉnh Dự luật để nó tương thuận với các nghĩa vụ của Việt Nam được quy định trong điều 18 của ICCPR để bảo đảm tuyệt đối chiều kích nội tâm của quyền tự do tôn giáo và niềm tin.

2. Tu chỉnh Dự luật để bảo đảm rằng việc thực hành tôn giáo và niềm tin không bị lệ thuộc vào thủ tục chấp thuận, công nhận, hay đăng ký của chính quyền.

3. Hủy bỏ mọi điều khoản cho phép chính quyền can thiệp vào sinh hoạt và việc quản lý nội bộ của tổ chức tôn giáo và các điều khoản quy định giáo trình phải có môn học về lịch sử và luật Việt Nam.

4. Hủy bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin trong Dự luật liên quan đến “an toàn xã hội” và “xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc“, “quốc phòng”, “an ninh quốc gia” và “trật tự công cộng”, và bất cứ từ ngữ nào không phù hợp với điều 18 của ICCPR.

5. Bảo đảm rằng mọi hạn chế về quyền tự do biểu thị tôn giáo hoặc niềm tin phải nằm trong khuôn khổ của các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật quốc tế, đặc biệt là đối với các hạn chế được điều 18 khoản 3 của ICCPR cho phép, và cần giải trình về sự cần thiết và chừng mực của biện pháp hạn chế đối với từng mục đích.

6. Hủy bỏ mọi từ ngữ bao quát và mơ hồ trong Dự luật, kể cả những từ ngữ có thể bị diễn giải tùy tiện để gây ra việc kỳ thị, vi phạm nhân quyền đối với các nhóm sắc tộc thiểu số và các nhóm có tôn giáo hoặc niềm tin độc lập, hay được dùng để thiên vị các nhóm được chính quyền công nhận, các nhóm bị chính quyền kiểm soát hay có cảm tình với chính quyền.

7. Đưa vào Dự luật những phương tiện pháp lý hữu hiệu và dễ tiếp cận để nạn nhân của các hành vi phân biệt đối xử hoặc vi phạm nhân quyền có thể dùng để đòi đền bù và bồi thường phù hợp với luật pháp và qui chuẩn quốc tế.

8. Bảo đảm các điều khoản trong Dự luật phải tương thuận với nghĩa vụ của Việt Nam đối với các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, và quyền riêng tư như được ICCPR qui định.

9. Đưa vào Dự luật những bảo đảm chắc chắn về việc ưu tiên áp dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên; Nội dung này đã được đưa vào các dự luật trước đây nhưng rất tiếc đã bị bỏ ra khỏi Dự luật này.

10. Trong quá trình viết lại Dự luật, ban soạn thảo cần hội ý với Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, các chuyên gia về luật nhân quyền quốc tế, và mọi thành phần bị ảnh hưởng bởi luật này trong đó có các nhóm tôn giáo và niềm tin tại Việt Nam.

Danh sách các tổ chức ký tên:
1) The Alternative ASEAN Network on Burma (Altsean Burma)
2) Amnesty International
3) Boat People SOS (BPSOS)
4) Cambodian Center for Human Rights
5) Cambodian Human Rights and Development Association (ADHOC)
6) Cambodian League for the Promotion and Defense of Human Rights (LICHADO)
7) Campaign to Abolish Torture in Vietnam (CAMSA)
8) Christian Solidarity Worldwide - UK
9) Christian Solidarity Worldwide (CSW) - USA
10) Civil Rights Defenders
11) Coalition for a Free and Democratic Vietnam
12) Danish Mission Council
13) Freedom House
14) International Commission of Jurists (ICJ)
15) International Institute for Religious Freedom
16) Khmer Kampuchea Krom for Human Rights and Development Association (KKKHRDA)
17) Lantos Foundation for Human Rights & Justice
18) People Serving People Foundation
19) People’s Empowerment Foundation (PEF)
20) Release International
21) Religious Liberty Partnership (RLP)
22) Society for Threatened Peoples International
23) Stefanus Alliance International
24) VETO! Human Rights Defenders’ Network (VETO!)
25) Voice of Martyrs Canada
26) Voice of Martyrs Korea
27) Vietnam Committee for Human Rights
------------------------
[1] Bản Tuyên bố này được soạn dựa trên Dự thảo 5 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được lưu hành vào tháng 9 năm 2015. Hồi tháng Tư năm 2015 chính phủ Việt Nam đã công bố bản Dự thảo 4 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và khiến cho nhiều cộng đồng tôn giáo lên tiếng chỉ trích và lo ngại, trong đó có: Hội đồng Liên tôn; Hội đồng Giám mục Việt Nam; Giáo phận Kontum, Giáo phận Bắc Ninh, Giáo phận Vinh của Giáo hội Công giáo; Nhóm Phật giáo Hòa Hảo Độc lập; các cộng đồng Cao Đài, Phật giáo và Tin Lành. Một số lớn các bản tuyên bố của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam có thể đọc tại: dvov.org/2015/10/26/vietnamdraftlor/

[2] Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phúc trình của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, Heiner Bielefeldt, UN Doc. A/HRC/28/66/Add.2 (30 January 2015), tóm tắt trang 1, http://www.ohchr.org/Documents/Issues/Religion/A-HRC-28-66-Add.2_VN.doc

[3] Có thể xem bản phân tích chi tiết về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tại: www.csw.org.uk/2015/05/15/report/2587/article.htmwww.worldwatchmonitor.org/2015/05/3844615

[4] Bản góp ý của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Gop-Y-LTNTG-GP-Vinh.pdf

[5] Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phúc trình của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, Heiner Bielefeldt, UN Doc. A/HRC/28/66/Add.2 (30 January 2015), đoạn 82, http://www.ohchr.org/Documents/Issues/Religion/A-HRC-28-66-Add.2_VN.doc

[6] Bản lập trường của các tín đồ tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo độc lập đối với dự thảo 4, luật tín ngưỡng - tôn giáo, http://truyenthongphatgiaohoahao.blogspot.de/2015/05/ban-lap-truong-cua-cac-tin-o-ton-giao_90.html

[7] Xem thêm, thí dụ, Human Rights Watch, Chấm dứt đàn áp kiểu “Tà đạo” đối với các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng ở Việt Nam (2015), https://www.hrw.org/vi/news/2015/06/26/278445 (chứng liệu về việc đàn áp tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng).

[8] “Việc đàn áp hiện nay nhắm vào những người bị cơ quan hữu trách Việt Nam xem là ‘đối tượng’ của lực lượng an ninh. Trong số này có cả những người đi theo các tôn giáo bị chính phủ Việt Nam xem là “do các nhóm phản động dựng lên” để chông chính quyền cộng sản và thực hiện các ‘mưu đồ đen tối’, thí dụ như ‘lợi dụng tự do tín ngưỡng để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc’ “, Human Rights Watch, Chấm dứt đàn áp kiểu “Tà đạo” đối với các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng ở Việt Nam (2015),ghi chú 7.
Ngoài ra xin xem thêm Christian Solidarity Worldwide, Dân làng theo Cơ Đốc Giáo phải trả giá đắt ở Việt Nam (Vietnamese Christian Villagers Pay a High Price, 2013), http://www.csw.org.uk/2013/04/18/news/1434/article.htm: “Áp lực bắt bỏ đạo không phải chỉ đến từ phía chính quyền. Một mục sư cho chúng tôi biết rằng bạn bè và gia đình của những người mới theo đạo Cơ Độc cũng cản họ đi nhà thờ và nói rằng cơ đốc nhân là những người theo “đạo của nước ngoài” có dính dáng đến CIA.”

[9] Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phúc trình của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin, Heiner Bielefeldt, UN Doc. A/HRC/28/66/Add.2 (30 January 2015), đoạn 83(i).
Bản Tuyên Bố Chung Về Dự Thảo Luật Tôn Giáo Ở Việt Nam Reviewed by Unknown on 11/11/2015 Rating: 5 Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây, cho rằng Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (Dự luật) của Việt Nam đang đi ngược l...

Không có nhận xét nào: