Người hoạt động xã hội dân chủ – Sao bị hành hung? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 12, 2015

Người hoạt động xã hội dân chủ – Sao bị hành hung?

GNsP: Tình trạng an ninh giả dạng côn đồ hoặc côn đồ được chính cơ quan công an và an ninh bảo kê liên tục hành hung, đánh đập và khủng bố những người hoạt động xã hội dân sự bằng gậy gộc, tuýp sắt… đập thẳng vào thân thể khiến những người này bị trọng thương, tổn hại sức khỏe. Điều đáng quan ngại hơn, mức độ hành hung ngày càng gia tăng và rõ ràng pháp luật VN không nghiêm minh, có dấu hiệu bao che khi các nạn nhân làm đơn tố cáo mà không có lời hồi đáp.

Nạn côn đồ khủng bố, bạo lực ngày càng gia tăng, nguy hiểm hơn

Nạn nhân của nạn côn đồ, bạo quyền này gần đây nhất chính là Luật sư Nguyễn Văn Đài, bạn trẻ Lý Quang Sơn, bạn Minh Vũ và bạn Thắng. Các nạn nhân đã bị côn đồ Nghệ An truy sát, sau khi kết thúc buổi thảo luận nhân quyền tại Nghệ An với hơn 70 người tham dự, tại nhà Cựu TNLT Trần Hữu Đức, vào ngày 06.12.2015.

Ls Nguyễn Văn Đài, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, đã nhiều lần bị côn đồ hành hung, và ông nhận xét mức độ hành hung của côn đồ đối với những người hoạt động xã hội dân chủ một gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng: “Khoảng từ cuối năm 2013, chính quyền cũng giảm bớt bắt giam, tiến hành bắt bớ câu lưu những nhà hoạt động nhân quyền trong nước, thay vào đó là họ sử dụng các cuộc tấn công bằng bạo lực nhằm vào những nhà hoạt động này. Tính từ năm 2014 cho đến nay, họ đã tấn công hàng chục người trên khắp cả nước. Bản thân tôi đã bị tấn công 5 lần, và mức độ tấn công ngày càng quyết liệt hơn. Năm 2014, họ chỉ ném cái cốc vào đầu tôi, chảy máu đầu và khâu 4 mũi. Còn lần mới đây nhất [ngày 06.12.2015], họ đã dùng gậy gỗ tấn công tôi và bạn bè tôi một cách quyết liệt. Không chỉ cá nhân tôi mà còn các anh chị em khác đều bị họ sử dụng bạo lực và ngày càng gia tăng nhiều hơn trong hoàn cảnh hiện nay.”

“Cũng may là tất cả các cú đánh của họ không làm cho chân tay của tôi bị gẫy. Hầu hết các vết thương đều trúng phần mền. Cho đến nay, vết thương cũng đã phục hồi được 50%. Nói chung sức khỏe không quá nghiêm trọng và sức khỏe sẽ được phục hồi trong những ngày tới.” Ls Đài nói.
Ls Nguyễn Văn Đài bị công an  hành hung sau khi kết thúc buổi thảo luận nhân quyền tại Nam Đàn, Nghệ An hôm 06/12/2015

Điều này cũng được cô Đỗ Thị Minh Hạnh, thành viên của Lao Động Việt [LĐV], cũng bị nhà cầm quyền hành hung nhiều lần do những nỗ lực của cô trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân. Cô Hạnh nhận định:

“Tất cả những lần hành hung tôi thì mỗi lúc một khác hơn. Trước đây, họ đánh đập vào cộng sự của tôi để dằn mặt tôi, nhưng lần này [ngày 22.11.2015] họ đã sử dụng bạo lực của công an để trực tiếp đánh tôi. Tôi không e ngại đến sự nguy hiểm của tôi, nhưng tôi e ngại là làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân. [Bởi vì] hiện nay, nghiệp đoàn độc lập tại VN là một vấn đề đang được quan tâm không chỉ trong nước mà còn cả thế giới nữa, vì nó khẳng định được vai trò và quyền lợi của công nhân. Trong điều khoản TPP đã tạo nhiều quyền lợi lớn cho người lao động. Chính vì thế sự hình thành nghiệp đoàn độc lập gây sự bất ổn cho các công đoàn nhà nước. Họ vẫn mong muốn độc quyền về nghiệp đoàn và không cho Lao Động Việt hoạt động công khai ở VN mặc dù đã nộp đơn từ tháng 4.2014 vừa qua.”

Cô Minh Hạnh và Ký giả Trương Minh Đức bị công an Đồng Nai kè cổ, bắt lôi lên xe về trụ sở công an phường Long Bình, giam, giữ và câu lưu nhiều tiếng đồng hồ, khi cô và ông Đức xuống thăm hỏi tình hình của công nhân Yupoong VN.

Về tình trạng sức khỏe, cô Minh Hạnh chia sẻ: “Hiện nay, sức khỏe của tôi ổn định rất nhiều bởi vì nhiều anh chị em đến an ủi, động viên và khích lệ. Thứ nữa là nhờ sự quan tâm của các khách hàng đối với công ty Yupoong và thế giới cũng quan tâm đến tình trạng mất việc của công nhân cũng giúp tôi quên đi những cơn đau.”

An ninh giả dạng côn đồ trở thành công cụ điều khiển đàn áp người dân

Theo Luật sư Đài, nhà cầm quyền sẽ giảm việc bắt bớ, cầm tù, nhưng gia tăng đánh đập bởi côn đồ vì đây là phương thức hiệu quả nhất trong chiêu trò ‘mén đá giấu tay’. Ls Đài bình luận:

“Trước đây, họ [nhà cầm quyền] cho rằng, việc cầm tù là một biện pháp hữu hiệu. Nhưng rõ ràng, từ năm 2007, họ bắt bớ càng nhiều thì số lượng người tham gia càng lớn mạnh hơn, họ không thể dập tắt được các phong trào này. Đồng thời cộng đồng quốc tế lên án rất mạnh. Họ có những cam kết với các tổ chức quốc tế thông qua các Hiệp định song phương cũng như hiệp định đa phương, cho nên họ phải sử dụng lực lượng an ninh giả danh côn đồ để tấn công. Khi cộng đồng quốc tế hỏi họ thì họ thường nói là không biết vụ việc này và đã giao cho công an địa phương điều tra, xử lý. Thứ hai, họ thể hiện sự bất lực của họ trước những người đấu tranh. Họ cho rằng, khi họ làm như vậy sẽ dập tắt được những hoạt động, hay sự lên tiếng của những người hoạt động dân chủ… Chúng ta biết rằng, biết bao nhiêu người bị đánh đập như chị Thúy Nga, Minh Hạnh, Trương Minh Đức… nhưng chưa có người nào từ bỏ con đường đấu tranh vì lý do bị đánh đập cả. Cho nên tình trạng bạo lực chắc chắn sẽ chấm dứt trong thời gian tới đây, khi phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền ngày càng mạnh mẽ hơn.”

Người xấu mới bị hành hung?

Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, nhà cầm quyền sử dụng côn đồ để hành hung những người hoạt động dân chủ với chủ ý làm cho người dân hiểu sai về các hoạt động mà những người này đã, đang và sẽ làm vì người dân nghĩ rằng, chỉ có người xấu thì mới bị hành hung. Ls Đài cho ý kiến:

“Khi những tên côn đồ này lao vào chúng tôi thì họ không nói họ là ai cả, họ chỉ biết lao vào đánh, đòi đánh cho chết… Tôi bị họ đưa lên xe ô tô chở đi, còn lại Lý Quang Sơn, Minh và Thắng bỏ chạy được. Những bạn trẻ này muốn nhờ những người dân trợ giúp, chở đi chạy trốn nhưng người dân thờ ơ và không giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng, nhìn thấy thái độ của những tên côn đồ như vậy thì người dân rất khó mà chở những nạn nhân đang bị những tên côn đồ rượt đuổi. Hầu hết những người đánh đập chúng tôi đều đội nón lưỡi trai và đeo khẩu trang, cho nên người dân không thể biết những người này là những người như thế nào. Đồng thời một số người dân lại chở những tên côn đồ tấn công này để đuổi theo anh em, thì tôi có thể suy đoán rằng: họ đã chặn xe những người dân này lại và nói chúng tôi là người xấu, hoặc thậm chí họ rút thẻ ngành ra để cho người dân biết họ là an ninh, và người dân bắt buộc phải chấp hành với cơ quan an ninh [đồng ý chở họ] để truy đuổi chúng tôi. Họ có thể sử dụng nhiều hình thái khác nhau: khi họ tấn công chúng tôi thì họ muốn người dân nhìn vào đây là những người bị côn đồ tấn công, nhưng khi họ cần đến người dân để nhờ giúp đỡ như là chở họ để đuổi theo chúng tôi thì họ chính là an ninh đi bắt những người xấu. Đó là hai phương thức họ sử dụng.”

Với kinh nghiệm của cô Minh Hạnh đã từng bị nhà cầm quyền dàn dựng đánh ghen, cô đồng tình rằng, mục đích của nhà cầm quyền luôn nói xấu và gây chia rẽ giữa người dân với những người hoạt động dân chủ. Cô Minh Hạnh nhận định:

“Đối với trường hợp của tôi, có 5 người phụ nữ bịt kín mặt chỉ chừa hai con mắt, đến đánh ghen và làm cho hàng xóm hiểu lầm tôi. Nhưng khi hàng xóm phát hiện ra là những người thuộc Hội Phụ nữ của phường thì họ đã cười chê chính quyền. Do nền giáo dục của VN thối nát cho nên người ta chỉ còn biết sử dụng bạo lực với nhau. Nhờ truyền thông vạch trần những tội ác của chính quyền thì người dân sẽ hiểu biết hơn, và họ biết chính quyền đào tạo ra một lực lượng giang hồ như vậy để đi xử những người dám đứng lên có tiếng nói cho quê hương đất nước.”

“Chính quyền nói với các công nhân công ty Yupoong rằng, tổ chức của tôi là một tổ chức phản động và làm cho một số công nhân e ngại, nhưng những công nhân chứng kiến thấy tôi bị bắt thì không nghĩ như vậy bởi vì họ thấy tôi hướng dẫn họ dựa trên luật pháp, đi gặp luật sư… không có gì gọi là phản động. Do đó sự vu khống là một sự cáo buộc để hạ thấp Lao Động Việt, độc quyền về nghiệp đoàn. Khi tôi và ký giả Trương Minh Đức bị bắt thì họ có yêu cầu công nhân ký vào các biên bản tôi và ông Đức phát tán tài liệu bậy bạ, thì công nhân họ kiên quyết không ký vì công nhân hiểu được những gì LĐV đã giúp cho họ. Khi tôi ở trong đồn công an, công nhân nói với nhau rằng, trong vòng 24 giờ, nếu công an không thả tôi ra thì nhiều công nhân của Youpoong sẽ kéo đến công an để đòi người. Khi tôi ra khỏi đồn công an và nhập viện, thì họ đã cố gắng liên lạc với tôi và muốn chia sẻ tiền viện phí cho tôi, nhưng tôi đã từ chối vì cuộc sống của những công nhân bị mất việc thì rất là khó khăn, tiền bạc không có. Tôi ghi nhận tình cảm với họ. Hiện nay, tôi vẫn giữ liên lạc với họ để xem tình hình của công ty Yupoong như thế nào.” Cô Minh Hạnh nhận định tiếp.

Cô Minh Hạnh nhấn mạnh: “Những hành động này nói lên rằng, họ không muốn tổ chức hay cá nhân nào đến giúp các công nhân để họ đòi được các quyền lợi của họ.”

Sử dụng côn đồ để răn đe lớp trẻ?

Ngoài ra, nhiều người nói rằng, nhà cầm quyền sử dụng phương thức tra tấn, hành hung kiểu này sẽ khiến những người hoạt động xã hội dân chủ nhụt chí, vì tham gia các hoạt động xã hội dân sự chẳng được gì, mất việc làm, gia đình xào xáo mà còn bị hành hung đến trọng thương. Ls Đài bình phẩm:

“Chắc chắn là có những bạn trẻ đang trong quá trình quan sát xem những người hoạt động xã hội dân chủ như thế nào, để họ suy nghĩ có thể tiếp bước theo những hoạt động này hay không, hay lựa chọn con đường khác. Rõ ràng, việc tấn công bạo lực như thế này chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của họ rất nhiều, có nhiều người sẽ cảm thấy e sợ và từ bỏ ý định đi theo con đường đấu tranh. Nhưng sẽ có nhiều người nhận thấy, chế độ này càng ngày tàn bạo bao nhiêu càng thêm động lực thúc đẩy cho họ dấn thân theo những con người đấu tranh bấy nhiêu. Tôi cho rằng, trong tương lai sẽ có nhiều người tham gia đấu tranh nhiều hơn bởi vì trước đây họ cũng đã sử dụng bạo lực rất nhiều nhưng ít người sợ hãi và ít người bỏ cuộc. Qua các cuộc đấu tranh như vậy thì cũng là một sự sàng lọc rất tự nhiên. Thực sự chỉ có người nào có bản lĩnh, có tinh thần dũng cảm và yêu đất nước, yêu tự do dân chủ thì họ sẽ dấn thân cho lý tưởng đó. Còn những người nào thuộc thành phần cơ hội tham gia chỉ vì háo danh, không phải vì lý tưởng thì chắc chắn họ sẽ bỏ cuộc.”

Cô Minh Hạnh cho rằng, chính những sự trấn áp đó khiến tinh thần những người hoạt động cho xã hội và dân chủ càng mạnh mẽ hơn. Cô nói: “Những người đã từng trải qua những vụ đàn áp thì đối với họ cảm thấy bình thường, bởi vì bản thân người đấu tranh cũng hiểu rằng, cho dù họ không đấu tranh thì bên phía chính quyền cũng không buông tha cho họ. Và chính điều này là cơ hội để cho những người đấu tranh phát triển cho quyền con người nhiều hơn, bởi vì gông, cùm, xiềng, xích luôn khiến cho con người có sức mạnh, chứ đâu có làm chùn bước ai đâu, lịch sử vẫn chứng minh như thế.”

Ai bảo vệ dân khi Luật pháp bảo vệ côn đồ?

Mức độ tra tấn và đàn áp của côn đồ ngày càng gia tăng và rõ ràng luật pháp VN không nghiêm khi không bảo vệ được người dân. Ai bảo vệ dân? Luật sư Đài nhận định:

“Một trong những mong muốn lớn nhất của tôi là người dân VN không thể trông chờ vào một trăm, hai trăm người đang hoạt động nhân quyền mà chúng ta cần sự hỗ trợ tham gia của hàng trăm, hàng ngàn người dân khác, đặc biệt là các bạn trẻ. Khi chúng ta có số lượng đông những người tham gia các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, thì chắc chắn chính quyền sẽ không dám đàn áp. Bởi vì nếu như có những vụ đàn áp xảy ra tương tự như tôi vào ngày 06.12.2015 vừa qua, mà chúng ta có hàng ngàn người kéo đến trụ sở Bộ Công an -là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và sức khỏe người dân trong nước- đấu tranh, yêu cầu họ xử lý điều tra làm rõ những vụ việc như vậy thì lần sau họ sẽ không dám làm như thế. Nhưng hiện nay, chúng ta có số lượng ít không đủ gây áp lực với đối với một cơ quan như Bộ Công an được.”

“Ngoài ra, chúng ta cần thông tin cho các tổ chức quốc tế, cho đồng bào VN ở Hải ngoại cũng như chính phủ các nước để đồng lòng lên tiếng và lên án những vụ tấn công bạo lực như vậy, để cho VN gặp khó khăn khi họ có mối bang giao với các nước trên thế giới. Thông qua các biện pháp tổ hợp như vậy, tôi tin việc tấn công bạo lực đối với những người hoạt động nhân quyền trong nước sẽ giảm đi và sẽ chấm dứt khi mà số lượng người tham gia đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước ngày càng đông hơn.” Ls Đài nói tiếp.

Người cộng sản hiểu rõ hơn ai hết, những khẩu hiệu họ từng đưa ra trước đây: gông cùm, tù tội rèn ý chí đấu tranh… Chắc chắn lao tù, bạo lực sẽ càng hun đúc tinh thần đấu tranh cho quyền con người, cho một Việt Nam tươi sáng, dân chủ và văn minh thực sự.

Huyền Trang, GNsP
Người hoạt động xã hội dân chủ – Sao bị hành hung? Reviewed by Phụng Thiên on 12/09/2015 Rating: 5 GNsP: Tình trạng an ninh giả dạng côn đồ hoặc côn đồ được chính cơ quan công an và an ninh bảo kê liên tục hành hung, đánh đập và khủng b...

Không có nhận xét nào: