Thành phố Bethlehem, nơi Hoàng tử Hòa Bình ra đời đang khao khát hòa bình - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 12, 2015

Thành phố Bethlehem, nơi Hoàng tử Hòa Bình ra đời đang khao khát hòa bình

GNsP: Vài ngày trước lễ Giáng sinh, chúng tôi kịp liên lạc với Bà Vera Baboun, Thị trưởng người Công Giáo đầu tiên của thành phố Bethlehem. Trong cuộc phỏng vấn này, Bà Baboun kể cho chúng tôi biết về cuộc sống ở thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra hiện nay như thế nào.

Thưa Bà Thị trưởng, xin Bà cho biết tình hình hiện nay ở Bethlehem liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân và cách riêng của cộng đồng Công giáo.
Cộng đồng Công Giáo là một phần của toàn bộ cộng đồng. Điều gì xảy ra ở Bethlehem ảnh hưởng đến người Công giáo thì cũng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Thành phố Bethlehem hiện bị tách biệt khỏi Jerusalem, và các tín hữu của Bethlehem khó có thể đến cầu nguyện tại Mộ Chúa. Những người châu Âu hay châu Mỹ đến viếng Mộ Chúa dễ dàng hơn một thanh niên Bethlehem 21 tuổi.
Đó không phải là một tiến trình bình thường và chúng tôi đang phải chiến đấu một cách bất thường; Cuộc sống của chúng tôi không bình thường và vì thế phải cố gắng thích nghi. Những người trẻ bị lấy tước cuộc sống và hiện chưa có giải pháp nào để khắc phục.
Là một Thị trưởng, tôi phải đối diện với nhiều tình huống phức tạp khi cuộc sống nơi đây vắng bóng hòa bình. Vì 82% viên chức của Bethlehem thuộc vùng C, nghĩa là thành phố này được điều khiển bởi chính quyền và an ninh Israel, đó là một thách đố khó tin để tôi thi hành quyền Thị trưởng của tôi phục vụ người dân.
Chúng tôi chỉ có 48.000 Kitô hữu trong tổng số 200.000 cư dân. Ngoài ra, việc xây bức tường mới ở Cremisan dẫn đến việc thu hồi đất của 58 gia đình Kitô hữu. Cây và quả ô liu, những đặc sản của Bethlehem, cũng sẽ bị thu hồi. Tất cả các yếu tố này hợp lại: bức tường, những thách đố về kinh tế và việc thiếu thốn cơ hội, ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống. Khi tôi nói về Bethlehem, thì sự hiện diện của các Kitô hữu ở đây là rất quan trọng, không chỉ cho chúng tôi nhưng còn cho toàn thể cộng đồng Kitô giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi hiện diện ở đây vì tất cả anh chị em.
Bà là nữ Thị trưởng đầu tiên của Bethlehem, xin cho biết về vai trò của phụ nữ trong xã hội Palestine và mối tương quan giữa phụ nữ Hồi giáo và phụ nữ Kitô giáo trong việc phục vụ hòa bình tại vùng đất của quý vị?
Phụ nữ là một phần của cộng đồng Palestine và chúng tôi phải đối diện với mọi thử thách giống như nam giới. Là nữ Thị trưởng đầu tiên trong lịch sử của Bethlehem là một thành tựu nhưng cũng lại là một thách đố.
Tôi đang cố gắng điều hành thành phố này theo quan điểm của một phụ nữ. Về sinh học, chúng tôi được tạo dựng để trao ban sự sống và trên hết là phục vụ người khác. Chúng tôi quan tâm trước hết đến người khác và muốn nhìn thấy cuộc sống quanh ta phát triển. Trường hợp của tôi, tôi đã làm Thị trưởng ba năm qua và tôi không bao giờ sử dụng một ngày nghỉ nào… Vì tôi nghe thấy những thách đố mà người dân phải đối mặt và tôi dành cho họ tất cả bản thân mình.
Phụ nữ ở Palestine, cho dù là Kitô giáo hay Hồi giáo, đối diện với những thách đố giống nhau, những giới hạn cũng như tình trạng thất nghiệp như nhau. Cả phụ nữ Kitô giáo lẫn Hồi giáo đều là những bà mẹ của các nạn nhân, những bà mẹ của giới trẻ thất nghiệp, những người vợ của các ông chồng thất nghiệp và của các nạn nhân. Chính họ là những người thất nghiệp và cũng là các nạn nhân. Vì vậy, họ phải đau khổ gấp đôi.
Giáo dục là nghề chuyên môn của Bà, vì Bà là một giáo sư. Vai trò của giáo dục trong việc hỗ trợ giới trẻ Bethlehem ra sao? Và đâu là những thách đố mà người trẻ phải đối diện?
50% dân số Bethlehem chúng tôi dưới 29 tuổi và họ có học vấn cao. Đối với chúng tôi giáo dục không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ quốc gia. Tuy nhiên, ở Bethlehem, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại West Bank (27%) và tỷ lệ đói nghèo cũng cao nhất (22%). Những người còn ở lại Bethlehem làm việc trong các lĩnh vực khác với ngành nghề mà họ được đào tạo.
Tỷ lệ thất nghiệp cao cho dù trên thực tế Bethlehem là một thành phố du lịch, và mỗi khi có xung đột thì du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở đây chúng tôi có 33 khách sạn và nhiều nhà hàng chất lượng tốt. Nhưng nếu không có sự độc lập và giải pháp thì cuộc sống hàng ngày và các hoạt động của chúng tôi bị ảnh hưởng bao lâu xung đột còn xảy ra. Chính vì thế, nhiều người có xu hướng sống bên ngoài Bethlehem.
Đâu là sứ điệp phổ quát mà Bà đọc được trong việc Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho hai phụ nữ Palestine, mà một trong hai vị đã đánh dấu lịch sử của Bethlehem?
Nếu như có việc các Thánh quá bộ xuống trần gian, thì Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong số họ. Khi ngài đến Bethlehem, khi ngài lắng nghe chúng tôi, khi chúng tôi đến với ngài, khi chúng tôi cầu nguyện với nhau với tư cách là các Kitô hữu, Do Thái giáo và Hồi giáo, ngài thừa nhận các quyền của chúng tôi như là những con người, những người Palestine và là các Kitô hữu.
Việc phong thánh cho hai phụ nữ Arab công bố sự thánh thiện của một vùng đất không sống trong hòa bình. Khi thừa nhận sự thánh thiện của vùng đất ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận các quyền của người dân sống trong vùng đất này. Ngoài việc phong thánh ngài còn thừa nhận Nhà nước Palestine. Ngài đã đưa quốc kỳ Palestine vào Vatican, và ngài nhắc nhở thế giới, trong đó có cả chúng tôi, rằng vùng đất của chúng tôi là Đất Thánh và là nguồn gốc của sự thánh thiện.
Sau việc phê chuẩn chính thức của Hiệp định Toàn diện mà Bà đề cập giữa nhà nước Palestine và Tòa Thánh, các bước tiếp theo cần phải thực hiện là gì?
Quyết định của Đức Thánh Cha đã được Liên Hiệp Quốc xem xét. Nhà nước Israel đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận và chúng tôi, những người Palestine, đã thừa nhận nhà nước ấy. Thật khó tin và không công bằng khi cho đến ngày nay Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận hoàn toàn Nhà nước Palestine, như đã công nhận Nhà nước Israel. Đây là một thực tế và là điều quan trọng nhất.
Chúng tôi đang làm mọi thứ để được sống trong hòa bình, nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ là lúc thế giới phải gánh vác trách nhiệm của mình. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào Palestine để ngăn chặn những gì đang xảy ra. Điều mang lại hòa bình chính là sự thừa nhận, và rồi hòa bình sẽ mang lại an ninh, chứ không phải là cách đi lòng vòng.
Giáng sinh đang đến gần. Quý vị sống thời khắc đặc biệt này trong năm như thế nào?
Hiện nay Giáng sinh đang đến gần, đây là thành phố Bethlehem, chúng tôi đang suy nghĩ về ý nghĩa của bản chất lễ kỷ niệm này trong lúc những vụ giết người đang diễn ra ở Palestine do những biến động gần đây. Chúng tôi nghĩ rằng chợ Giáng sinh và cây thông Noel sẽ diễn ra. Đó sẽ là một lễ kỷ niệm quốc gia, qua đó chúng tôi có thể chia sẻ thông điệp Bethlehem với toàn thế giới.
Khẩu hiệu chúng tôi mừng Giáng sinh năm nay là “trong vùng đất Palestine có cái dành cho hòa bình” (in the land of Palestine there is what deserves peace). Nhà thơ Mahmoud Darwish người Palestine đã viết: “trong vùng đất này có cái dành cho sự sống”. Cuộc sống của chúng tôi, trong vẻ đẹp và sự thánh thiện của mình, đáng để ở lại đây và đi tiếp, để cảm nhận được niềm vui và đối diện với những thách đố mà chúng tôi trải qua. Chúng tôi đã dùng câu thơ này nhưng thay thế từ “sự sống” bằng từ “hòa bình” và chúng tôi áp dụng sứ điệp ấy cho Bethlehem.
Dường như không ai nhận ra rằng Bethlehem, thành phố đã mang đến thông điệp hòa bình cho toàn thế giới dịp Giáng sinh, ngày nay vẫn tiếp tục mang đến thông điệp hòa bình cho toàn thế giới, mặc dù trong thực tế bản thân nó chưa có hòa bình. Những viên đá – vùng đất – và những viên đá sống động là người dân – xứng đáng được hưởng hòa bình.
Ngày 5/12 vừa qua, tôi đã đưa ra thông điệp Bethlehem cho toàn thế giới khi chúng tôi thắp sáng cây Giáng sinh. Mỗi khi như vậy, tôi mong rằng tôi có thể nói: “Tạ ơn Chúa, cám ơn những ai mang hòa bình đến cho Palestine và Bethlehem.” Tôi muốn nói như thế. Nhưng mỗi lần đến đó tôi nói “Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể có hòa bình”, vì chúng tôi vẫn chưa có hòa bình.
Đối với một Thị trưởng Bethlehem như Bà, Dòng Mộ Chúa, một Dòng Giáo hoàng hỗ trợ vật chất cho Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, đại diện cụ thể cho cái gì? Bà mong đợi gì nơi các thành viên của Dòng và họ có thể giúp gì cho tình trạng hiện nay ở đất nước Bà?
Dòng Mộ Chúa trực thuộc Tòa Thượng phụ Latinh. Vì thế, Thị trưởng và các công dân Bethlehem không có liên hệ trực tiếp với họ, nhưng chúng tôi biết rằng họ hỗ trợ cho các trường học và nhiều lãnh vực khác giúp cho các tín hữu Công Giáo tại Thánh Địa. Tôi từng là giáo sư tại Đại học Bethlehem, và sau đó làm hiệu trưởng trường Công giáo – Hy Lạp một năm rưỡi, vì thế tôi biết rằng phần lớn học phí của các sinh viên do Dòng Mộ Chúa và các Dòng khác hỗ trợ. Sự hỗ trợ này thông qua Tòa Thượng Phụ và do đó chúng tôi không biết rõ chi tiết. Tuy nhiên, tôi biết rằng các thành viên của Dòng liên kết rất tốt với Đất Thánh, tôi thấy họ thường xuyên ở Bethlehem và tôi hoàn toàn đánh giá cao tất cả những gì họ làm. Hãy giữ niềm hy vọng và giúp đỡ mọi người ở lại đây là điều rất quan trọng và đó là những gì họ đang làm.
Xin Bà chia sẻ với mọi người thông điệp cuối cùng
Cuộc sống là những tiếng nói và để tạo ra một sự thay đổi bạn cần một tiếng nói can đảm và trung thành để lên tiếng cho sự thật. Là một Kitô hữu, tôi biết Chúa Giêsu đã dạy chúng tôi rằng nếu chúng ta không thể diễn tả được sự thật, thì tốt hơn nên giữ im lặng. Vì tất cả chúng tôi đang phải đối mặt với thực tế của Bethlehem, chúng tôi hiểu những gì đang xảy ra ở Palestine đây, tôi mong rằng những tiếng nói bày tỏ sự thật mà không sợ hãi: Bethlehem, thành phố của hòa bình, không được sống trong hòa bình, và đây là một sự sỉ nhục to lớn.
Chuyển ngữ: GNsP
21/12/2015
Thành phố Bethlehem, nơi Hoàng tử Hòa Bình ra đời đang khao khát hòa bình Reviewed by Phụng Thiên on 12/28/2015 Rating: 5 GNsP: Vài ngày trước lễ Giáng sinh, chúng tôi kịp liên lạc với Bà Vera Baboun, Thị trưởng người Công Giáo đầu tiên của thành phố Bethlehe...

Không có nhận xét nào: