Luật về đảng chính trị trong nền dân chủ và thể chế pháp quyền - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 1, 2016

Luật về đảng chính trị trong nền dân chủ và thể chế pháp quyền

Hoàng Sơn:  Muốn quản trị tốt một quốc gia, hai trụ cột quan trọng chính là nền dân chủ và thể chế pháp quyền. Hai yếu tố này là hai mặt của một chỉnh thể, không thể có cái này mà không có cái kia. Dân chủ chính là việc thừa nhận rộng rãi một cấu trúc nhà nước với đầy đủ tính chất của một nhà nước quản trị xã hội tốt, trong đó, đảm bảo sự tự do và công bằng trong hoạt động ứng cử và bầu cử. Chính điều này sẽ đem lại một lợi ích lớn lao thông qua việc sẽ mang lại những thay đổi quan trọng cho quốc gia với những ý tưởng chính trị mới.
Xem thêm các bài trong tiểu luận: Tương tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam, của nhà nghiên cứu Hoàng Sơn Hà Nội:
Kỳ 1. Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam? 
Kỳ 2: Đảng chính trị ra đời từ khi nào?  

Dân chủ và pháp quyền: hai mặt của một chỉnh thể
Muốn quản trị tốt một quốc gia, hai trụ cột quan trọng chính là nền dân chủ và thể chế pháp quyền. Hai yếu tố này là hai mặt của một chỉnh thể, không thể có cái này mà không có cái kia.

Dân chủ chính là việc thừa nhận rộng rãi một cấu trúc nhà nước với đầy đủ tính chất của một nhà nước quản trị xã hội tốt, trong đó, đảm bảo sự tự do và công bằng trong hoạt động ứng cử và bầu cử. Chính điều này sẽ đem lại một lợi ích lớn lao thông qua việc sẽ mang lại những thay đổi quan trọng cho quốc gia với những ý tưởng chính trị mới.
Tương tự như vậy, một nhà nước dân chủ sẽ phải có một chính quyền chịu trách nhiệm trước công chúng và minh bạch trong quá trình ban hành các quyết sách, quyết định chính trị. Dân chủ sẽ giúp cung cấp một sự quản trị tốt đối với sự cạnh tranh giữa các nhóm tôn giáo, dân tộc và các lợi ích văn hóa một cách lâu dài và hòa bình. Sự quản trị tốt này thể hiện ở việc quá trình cạnh tranh này sẽ diễn ra với các rủi ro trong các lợi ích xung đột sẽ diễn ra ở mức tối thiểu. Bởi những xung đột lợi ích này nếu không được giải quyết khéo léo và ổn thỏa, sẽ dẫn tới sự cản trở cho quá trình phát triển đất nước.
Nhưng chỉ bản thân dân chủ không đủ giúp cho một nhà nước quản trị tốt. Một nhà nước quản trị tốt cần nhiều hơn chỉ là dân chủ với việc bầu cử, ứng cử tự do hay đơn thuần là sự phát triển trong các đảng chính trị. Một điều quan trọng vô cùng đó là các cam kết cho nguyên tắc pháp quyền. Nếu không có pháp quyền, sẽ không có đất sống cho dân chủ. Mối tương tác quan trọng giữa dân chủ và pháp quyền đã được thể hiện trong Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc: “chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực cho việc thúc đẩy dân chủ và tăng cường sức mạnh của pháp quyền”.[1]
Mặc dù khái niệm pháp quyền (rule of law) được hiểu khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản, khái niệm về pháp quyền thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp và chính quyền. Trong hệ thống pháp luật của các quốc gia phát triển trên thế giới, như Canada chẳng hạn, pháp quyền được thể hiện trên hai phương diện: “Thứ nhất, tất cả mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù cá nhân đó đang nắm giữ vị trị nào đó trong xã hội; Thứ hai, bản thân nhà nước cũng bị ràng buộc bởi pháp luật do chính mình ban hành và phải tuân thủ pháp luật đó. Không một cá nhân nào bị kết án nếu đó không phải là phán quyết của một tòa án hợp pháp. Nói một cách khác, tất cả các hoạt động của các cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật”[2].
Một thể chế pháp quyền luôn đòi hỏi sức mạnh của luật pháp thể hiện qua việc tôn trọng Hiến pháp và luật pháp trong xã hội. Theo đó, các đảng chính trị cũng phải tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ quy định của hiến pháp và luật pháp quốc gia nói chung.
Các đảng chính trị tìm kiếm quyền lực để cai trị, và tìm kiếm phương thức cai trị. Tuy nhiên, trong khi đang tìm kiếm quyền lực thì đảng chính trị lại bị cai trị bởi bộ máy nhà nước đang nắm giữ quyền lực chính trị. Bộ máy nhà nước này đặt ra những nguyên tắc, luật lệ để quản lý hoạt động của các đảng chính trị. Các luật lệ quy định về hoạt động của các đảng chính trị thường được gọi chung là luật về đảng chính trị (Party Law).
Luật về đảng chính trị là gì?
Luật về đảng chính trị đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Trong một thể chế pháp quyền, luật về đảng chính trị cung cấp một khung khổ pháp lý cho hoạt động của các đảng chính trị, nhưng nó cũng là phương tiện để hạn chế sự lạm quyền của các đảng chính trị đang cầm quyền.
Theo Richard S. Katz của đại học John Hopkin[3] thì các chế định của luật về đảng được thiết lập bởi 3 mục tiêu cơ bản:
Thứ nhất, là để xác định rõ ai hoặc cơ quan nào sẽ có quyền được công nhận là một đảng chính trị? Điều này sẽ bao hàm nhiều khía cạnh. Một, để kiểm soát quá trình liên quan đến bầu cử, ứng cử cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc sai phạm trong quá trình bầu cử, ứng cử này. Khía cạnh thứ hai là xác định rõ và kiểm soát các vấn đề liên quan đến tài chính và truyền thông của tổ chức chính trị đó. Ví dụ như trong Luật cơ bản của nước Đức (German Basic Law) quy định rõ: “Các đảng chính trị phải tham gia vào việc thiết lập ý chí chính trị cho nhân dân”.[4] Khía cạnh thứ ba liên quan đến vai trò của đảng chính trị đó đối với nhà nước.
Thứ hai, là thiết lập một khung khổ pháp lý cho các hoạt động liên quan của đảng chính trị. Nếu thiếu vắng một hệ thống luật về đảng chính trị, sẽ dẫn tới hoặc là đảng chính trị cầm quyền trở nên lạm quyền hoặc đảng chính trị chỉ được coi như một tổ chức bình thường như bất kỳ các tổ chức nào khác trong xã hội. Cho nên, nếu có một hệ thống luật về đảng chính trị đầy đủ, một mặt sẽ đề cao vai trò chính trị của đảng đó, nhưng mặt khác cũng hạn chế sự lạm dụng quyền lực của đảng chính trị đối với nhà nước và xã hội.
Thứ ba, là để điều chỉnh các cách thức hoạt động trong nội bộ đảng, ngăn ngừa và hạn chế sự lạm quyền ngay trong nội bộ của đảng chính trị đó.
Luật về đảng chính trị cần quy định những gì? 
Khái niệm luật về đảng chính trị được hiểu rất khác nhau, tùy theo từng bối cảnh quốc gia và ý kiến cá nhân của từng học giả. Tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất, luật về đảng chính trị là một bộ phận trong luật pháp của một quốc gia liên quan đến việc quy định những gì một đảng chính trị được phép làm hoặc không được phép làm. Thông thường, các luật này sẽ quy định về việc thành lập đảng, cách thức tổ chức và hoạt động của đảng chính trị. 
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Liberia trao chứng nhận đăng ký thành lập đảng cho đại diện của Đảng Thống nhất PUP hồi năm 2014, nâng tổng số đảng chính trị đăng ký ở nước này lên con số 32. Ảnh: necliberia.org
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Liberia trao chứng nhận đăng ký thành lập đảng cho đại diện của Đảng Thống nhất Nhân dân (PUP) hồi năm 2014, nâng tổng số đảng chính trị đăng ký ở nước này lên con số 32. Ảnh: necliberia.org
Richard S. Katz cũng cho rằng luật về đảng chính trị của một quốc gia cần phải quy định về ba lĩnh vực như sau:
  1. Các quy định về việc thành lập, tổ chức một đảng chính trị nào đó
  2. Các quy định điều chỉnh những hoạt động của đảng chính trị đó.
  3. Đảm bảo các hoạt động của các đảng chính trị phải tuân thủ các quy định của pháp luật[5]
Cũng theo Richard Katz, luật về đảng chính trị được hiểu là “các quy định của nhà nước nhằm điều chỉnh và xác định quy chế pháp lý của đảng chính trị đôi khi là các quy định nhằm điều chỉnh tư cách pháp lý của các thành viên đảng đó, đảng chính trị đó sẽ phải tổ chức như thế nào, các đảng đó có thể tiến hành các chiến dịch của họ ra sao, làm thế nào để đảng đó kiểm soát được nguồn tài chính đóng góp”[6].
Tên gọi của luật về các đảng chính trị này tùy thuộc vào mỗi một quốc gia, có thể gọi là Luật về đảng chính trị ( Law on Political Parties) như ở Đức, hoặc Đạo luật về đảng chính trị (Political Parties Act) như ở Hàn Quốc[7]. Tuy nhiên, thông thường, các luật này chủ yếu bao gồm các quy định về bầu cử, thực hiện các chiến dịch hoạt động của đảng và vấn đề tài chính cho sự hoạt động của đảng đó.
Theo một nghiên cứu của các học giả Hà Lan cho biết, kể từ năm 1944 đến năm 2010 trong số 33 quốc gia ở châu Âu, có 20 quốc gia đã thông qua luật về đảng chính trị[8], bao gồm: Áo, Bungari, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Đức, Hungari, Latvia, Lithuania, Na uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Ukraina và Anh Quốc[9]. Theo nhận xét của Bértoa, Piccio & Rashkova trong bài viết “Party Law in Comparative Perspective”[10] thì quá trình xuất hiện luật về đảng chính trị ở châu Âu có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bao gồm Đức, Phần Lan và Áo, ba quốc gia này đã xây dựng nền dân chủ từ nửa đầu của thế kỷ XX. Giai đoạn thứ hai là sự ra đời của luật về đảng chính trị của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giai đoạn thứ ba là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội với sự nắm quyền của đảng cộng sản ở các nước Đông Âu, các quốc gia này sau khi đoạn tuyệt với đảng cộng sản đã chuyển sang xây dựng mô hình dân chủ, bắt đầu với Hungary thông qua luật về đảng của họ năm 1989.[11]
Tài liệu tham khảo: 
[2] Reference re Manitoba Language Rights, [1985], 1 S.C.R. 721 at 748. Reference re Sesession of Quebec, [1998], 2 S.C.R 217 at para 71.
[4] German Basic Law, điều 1, khoản 1.
[6] Kenneth Janda, tlđd, trang 4.
[7] Kenneth Janda, tlđd, trang 4.
[10] Bértoa, Piccio & Rashkova,  Party Law in Comparative Perspective,trang 4 – 6.
[11] Bértoa, Piccio & Rashkova, tlđd, trang 4 – 6.
Luật về đảng chính trị trong nền dân chủ và thể chế pháp quyền Reviewed by Phụng Thiên on 1/12/2016 Rating: 5 Hoàng Sơn:  Muốn quản trị tốt một quốc gia, hai trụ cột quan trọng chính là nền dân chủ và thể chế pháp quyền. Hai yếu tố này là hai mặ...

Không có nhận xét nào: